Nâng cao hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ trong phát hiện ma túy. (TBTCVN) – Sau hơn 1 năm Chỉ thị số 4550/CT-TCHQ (ngày 2/8/2018) và đặc biệt kể từ khi Kế hoạch 4575/KH-TCHQ (ngày 15/7/2019) được ban hành về tăng cường công tác kiểm soát ma túy tiền chất, việc huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đấu tranh phòng chống ma túy đã có chuyển biến đáng ghi nhận.
Cán bộ hải quan sử dụng chó nghiệp vụ trong kiểm soát các trường hợp nghi vấn vận chuyển hàng quốc cấm tại cửa khẩu. Ảnh: Đức Thọ
Cú huých trong sử dụng chó nghiệp vụ
Ông Phạm Văn Phan – Đội trưởng Đội Quản lý, huấn luyện chó nghiệp vụ (Đội 8) Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), Tổng cục Hải quan cho biết, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của hải quan các nước cũng như kinh nghiệm của lực lượng công an, biên phòng, từ năm 1988, ngành Hải quan đã bắt đầu đưa chó nghiệp vụ vào sử dụng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay về cơ bản lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của ngành Hải quan đã bắt đầu đi vào ổn định về số lượng và chất lượng. Tổng số chó nghiệp vụ đã được trang bị cho các đơn vị trong ngành là 117 con, được phân bổ tại 39 chi cục thuộc 21 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Song song với đó, ngành Hải quan cũng đã ban hành các quy chế quy định, đầu tư trang bị phương tiện, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ công tác quản lý, sử dụng. Chó nghiệp vụ được sử dụng phổ biến trong công tác tuần tra, kiểm soát và kiểm tra để phát hiện ma túy tại các địa bàn trọng điểm. Nhìn chung hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ mới chủ yếu thể hiện ở tác dụng răn đe, phòng ngừa; chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy cũng như sự đầu tư của ngành.
Trong bối cảnh cần đáp ứng yêu cầu kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm pháp, năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 4550 về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống ma túy trong địa bàn hải quan; trong đó có chỉ đạo Cục ĐTCBL và các cục hải quan tỉnh thành phố, đơn vị chuyên trách quan tâm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ trong phòng chống buôn lậu, đặc biệt là trong phát hiện ma túy…
Kể từ khi có chỉ thị nêu trên, công tác quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ tại các đơn vị trong toàn ngành đã có những chuyển biến rõ rệt, việc sử dụng chó nghiệp vụ đã dần đi vào thực chất.
Ngày 22/4/2019, Đội 8 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện trong 1 phong bì thư từ nước ngoài gửi người nhận tại địa chỉ 47 Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có chứa 2 gói cocain trọng lượng 28 gram.
Cũng theo ông Phan, đây là vụ đầu tiên của toàn ngành Hải quan sau hơn 30 năm đầu tư và sử dụng chó nghiệp vụ, các cá nhân tham gia vụ việc đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tặng giấy khen… Kết quả này đã có tác dụng truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa đến các đơn vị sử dụng chó nghiệp vụ trong toàn ngành Hải quan.
Nối tiếp chiến công nêu trên, cùng với việc thực hiện Kế hoạch 4575, các đơn vị sử dụng chó nghiệp vụ hải quan trên toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn.
Lực lượng hải quan sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma túy trong 1 phòng bì thư gửi từ nước ngoài về Hà Nội ngày 22/4/2019. Ảnh: Văn Phan
Điển hình là ngày 21/7/2019, chó nghiệp vụ thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Cục Hải quan Tây Ninh phát hiện vụ vận chuyển trái phép 8 kg ma túy tổng hợp từ Campuchia sang Việt Nam. Ngày 11/9/2019, chó nghiệp vụ của Hải quan Bình Phước phát hiện 16 kg Ketamin và Methamphetamin.
Tiếp đến, ngày 20/9, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tỉnh Quảng Trị, chó nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan Quảng Trị phát hiện có một vali màu nâu bên trong chứa 4 gói tinh thể màu trắng trọng lượng 3,2 kg nghi ma túy đá.
Ngày 23/9, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tỉnh Quảng Trị, chó nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan Quảng Trị phát hiện tội phạm đang có hành vi vận chuyển trái phép 4,5 kg tinh thể màu trắng, nghi là ketamine, hơn 3.000 viên ma túy tổng hợp giấu trong nồi cơm điện, cùng nhiều tang vật khác.
“Kết quả nêu trên đã cho thấy chương trình chó nghiệp vụ của ngành Hải quan đang đi đúng hướng, cũng như khẳng định được vai trò, vị trí, tác dụng của lực lượng chó nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy…” – ông Phạm Văn Phan chia sẻ.
Tiếp tục phát huy kết quả…
Ông Phan cho biết thêm, phát huy hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ, theo kế hoạch số 4575 các đơn vị hải quan sử dụng đồng bộ các biện pháp kiểm tra hải quan, trong đó có chó nghiệp vụ nhằm nâng cao khả năng phát hiện ma túy, tiền chất ở khâu kiểm tra trong và sau thông quan hàng hóa.
Cụ thể, các đơn vị có chó nghiệp vụ phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức và đưa chó vào sử dụng thường xuyên gắn với quá trình kiểm tra giám sát thực tế; gắn trách nhiệm của đơn vị, lãnh đạo, huấn luyện viên với chỉ tiêu bắt giữ ma túy, coi đó là chỉ tiêu bắt buộc nhằm đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Đồng thời, kế hoạch cũng chỉ rõ về nguy cơ, thủ đoạn của các đối tượng trên từng tuyến, địa bàn trọng điểm, trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ công chức chuyên trách, cụ thể hóa thành các giải pháp để thực hiện nghiêm, hiệu quả.
Để thực hiện chỉ đạo nêu trên, ông Phan cho hay, Cục ĐTCBL đã và đang tiến hành tổng kết quá trình sử dụng chó nghiệp vụ của toàn ngành Hải quan, tham khảo kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ.
Trong đó, đề ra yêu cầu các đơn vị hải quan cần thực hiện đúng các quy định về sử dụng chó nghiệp vụ, phân định rõ nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, huấn luyện viên trong công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ; tiếp tục thực hiện hợp tác trong và ngoài nước về huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ…
Không thể chủ quan với kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng chống ma túy nói chung và của lực lượng hải quan nói riêng là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Công tác sử dụng chó nghiệp vụ của ngành Hải quan là yêu cầu mang tính tất yếu. Đây là lĩnh vực mới, có tính đặc thù và khó khăn, vì vậy để đạt được kết quả tốt, rất cần quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo để xây dựng được một lộ trình khoa học, ổn định và lâu dài để xây dựng và phát triển hoạt động huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu nói chung và chống buôn lậu ma túy nói riêng”.
(Phó Cục trưởng Cục ĐTCBL Nguyễn Văn Lịch)
Theo : Đức Thọ – Song Linh