Ngày 20/4/2018, Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chương trình, tài liệu học xóa mù chữ hiện hành và định hướng biên soạn chương trình, tài liệu dạy và học xóa mù chữ mới”.
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có ông Phạm Sỹ Bỉnh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cùng các chuyên viên của Vụ, đại diện Hội Khuyến học Việt Nam, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tuấn đã trình bày báo cáo đánh giá chương trình xóa mù chữ hiện hành và đề xuất định hướng xây dựng chương trình xóa mù chữ mới dựa trên cơ sở chương trình tiểu học mới. Báo cáo đã chỉ ra những bất cập của chương trình xóa mù chữ sau 10 năm thực hiện như: thay đổi về đối tượng học viên hiện nay chủ yếu là người lớn, có những phần nội dung không phù hợp, yêu cầu về kiến thức kĩ năng là cao so với học viên xóa mù chữ, nội dung chưa cập nhật với sự phát triển KT-XH hiện nay, điều kiện thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn bất cập,… Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra định hướng xây dựng chương trình xóa mù chữ mới: cần đảm bảo được những yêu cầu về phẩm chất và năng lực như yêu cầu của chương trình tiểu học, cấu trúc chương trình thành 2 giai đoạn, giai đoạn I bao gồm các lớp 1, 2, 3 học các môn cơ bản như Tiếng Việt, Toán, Hoạt động trải nghiệm; giai đoạn II bao gồm lớp 4, 5 học các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hai môn Tin học và Ngoại ngữ được xây dựng dưới dạng các chuyên đề tự chọn đáp ứng nhu cầu người học.
ThS. Bế Hồng Hạnh thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo đánh giá tài liệu học xóa mù chữ hiện hành. Báo cáo đã chỉ ra những bất cập của tài liệu đang sử dụng hiện nay như: tranh ảnh minh họa, ngôn ngữ trình bày chưa phù hợp, kênh hình và kênh chữ chưa cân đối, các ví dụ chưa sát với đối tượng người học là người lớn,…
Trên cơ sở các báo cáo đánh giá chương trình và tài liệu dạy và học xóa mù chữ hiện hành và đề xuất định hướng xây dựng chương trình xóa mù chữ mới, tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận những định hướng về xây dựng chương trình và tài liệu, sách giáo khoa dạy và học xóa mù chữ. Các ý kiến tại hội thảo cho rằng đây là định hướng ban đầu. Để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, Bộ GD-ĐT cần đầu tư nghiên cứu khảo sát, đánh giá trên diện rộng, trên cơ sở đó sẽ đề xuất xây dựng chương trình, tài liệu, sách giáo khoa dạy và học xóa mù chữ mới phù hợp với nhu cầu, đặc điểm học tập của người dân và bối cảnh phát triển KT-XH hiện nay.